Lượt xem: 542

Nông dân thành phố Sóc Trăng thu lợi nhuận cao nhờ áp dụng kỹ thuật và khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch

Những ngày này, bà con nông dân thành phố Sóc Trăng phấn khởi bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân, bà con nông dân hết sức phấn khởi vì vụ này vừa trúng mùa, lúa lại được giá cao kỷ lục.

 


Thu hoạch lúa Đông Xuân bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh Kim Đồng

 

    Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu vụ đến nay, giá lúa đã tăng so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt các nhóm lúa được tiêu thụ mạnh trên thị trường như: ST24, ST25 được thương lái thu mua từ 7.300 đ - 7.600 đ/kg, Đài thơm 8 dao động từ 6.400 đ-6.900 đ/kg trở lên. Bên cạnh đó, việc thu mua diễn ra nhanh chóng, đa số khi thu hoạch xong đều có thương lái đến tận ruộng thu mua.

    Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thành phố, tình hình thời tiết năm nay khá thuận lợi, dịch hại không đáng kể nên chi phí sản xuất vụ này thấp, bình quân mỗi ha nông dân chỉ tốn chi phí từ 15-17 triệu đồng.

    Gia đình bà Liêu Thị Kim Luônl - Phường 8, thành phố Sóc Trăng vừa thu hoạch xong trên 10 ha vụ lúa Đông Xuân với giống lúa OM10 và OM18, đạt năng suất 7,5 tấn/ha được thương lái thu mua 6.900đ/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình bà có lãi khoảng 40 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với vụ Đông Xuân trước. Không riêng gì ở Phường 8, nông dân toàn thành phố Sóc Trăng đều rất phấn khởi vì năng suất lúa vụ này đạt khá cao, bình quân đạt từ 6-6,6 tấn/ha.

    Đồng chí Huỳnh Bảo Quốc - Phó trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Sóc Trăng cho biết: Vụ lúa này, bà con nông dân sạ thưa, nên lúa ít bệnh. Qua đó nông dân thấy được hiệu quả của việc áp dụng 1 phải, 5 giảm, sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả cao trong canh tác lúa.

    Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đối với người nông dân. Trong vụ lúa Đông Xuân này, toàn thành phố Sóc Trăng có trên 80% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận, được nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và thương lái đặt cọc trước. Vụ Đông Xuân này xem như 100% diện tích lúa của nông dân được thu mua. Cụ thể như mô hình liên kết sản xuất lúa với các giống OM10, Đài thơm 8 với diện tích 130 ha ở Khóm 5, Phường 8 được công ty bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch; mô hình sản xuất giảm lượng hạt giống gieo sạ để nâng cao năng suất và chất lượng lúa của 11 hộ nông dân ở Khóm 3, Phường 10 với giống lúa ST25 được doanh nghiệp bao tiêu đầu vụ với giá 7.600đ/kg.


Vận chuyển lúa xuống ghe đưa đi tiêu thụ. Ảnh Kim Đồng

 

    Đồng chí Lê Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Sóc Trăng chia sẻ: Hướng tới thành phố Sóc Trăng sẽ tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, giống lúa đặc sản theo hướng an toàn, quan trọng nhất là khâu liên kết bao tiêu sản phẩm. Phòng Kinh tế sẽ tham mưu với UBND thành phố Sóc Trăng, phối hợp với các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất lúa trong và ngoài tỉnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, để nông dân an tâm sản xuất.

    Ngoài sản xuất có lãi thì ngành nông nghiệp thành phố còn hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất bền vững, có quy mô, có đầu tư, cải tiến phương thức sản xuất, hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm; nhân rộng diện tích sản xuất có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Đặc biệt, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là diễn biến phức tạp của hạn, mặn hiện nay.

Kim Đồng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 7662
  • Trong tuần: 78,369
  • Tất cả: 11,801,689